Thông tin này được ông Han Myoung Sup, Tổng Giám đốc mới của Tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chiều 28/1 tại Hà Nội.
Hiện tại, dù chỉ mới đi vào hoạt động khoảng 10 tháng nhưng nhà máy của Samsung tại Thái Nguyên đã đạt sản lượng 11 triệu sản phẩm/tháng, thu hút 35.000 lao động. Trong khi đó, nhà máy tại Bắc Ninh cũng đang huy động tới 45.000 lao động.
Đồng thời, Samsung cũng cho biết đã đầu tư mở một Viện R&D (nghiên cứu & Phát triển) tại Cầu Giấy, Hà Nội với hơn 1200 nhân viên, kỹ sư. Trong số này có 100 kỹ sư từng tốt nghiệp Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) của Việt Nam.
Như vậy là tính đến thời điểm này, Samsung đã giải ngân hơn 3,8 tỷ USD vào các dự án đầu tư tại Việt Nam, gồm có ở Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM. Có thể nói đây là tốc độ đầu tư rất nhanh bởi năm 2009, Samsung chỉ mới rót gần 750 triệu USD cho dự án ở Bắc Ninh, trước khi tăng lên 1,2 tỷ USD, rồi 2,5 tỷ USD….
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, ông đánh giá cao sự quan tâm đầu tư của Samsung tại Việt Nam khi Tập đoàn này xác định Việt Nam là địa điểm đầu tư chiến lược trọng điểm mới, thể hiện ở việc liên tục mở rộng các dự án tại các địa phương. Bộ trưởng cũng tỏ ra đặc biệt ấn tượng với tốc độ giải ngân của Samsung: “Khi đã ký thì Samsung giải ngân rất nhanh và hiệu quả, nhất là dự án tại Thái Nguyên”, Bộ trưởng nhận định.
Cũng theo Bộ trưởng thì số vốn 3,8 tỷ USD mà Samsung đã giải ngân theo như cam kết đã mang đến cho ngành CNTT – Truyền thông Việt Nam một sự phát triển mới. Năm 2013, Tổ hợp Samsung Việt nam đã sản xuất hơn 119 triệu sản phẩm, đạt giá trị xuất khẩu 26 tỷ USD, bằng 17% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. “Đây chính là thành công chung của các kỹ sư, công nhân và ban lãnh đạo của Hàn Quốc lẫn Việt Nam”, Bộ trưởng chia sẻ.
Ghi nhận những đóng góp của Samsung, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng Samsung không chỉ tạo ra sản phẩm, giá trị xuất khẩu mà còn tạo ra công việc, thu nhập ổn định cho 80.000 lao động Việt Nam. Do đó, Việt nam cam kết sẽ cải cách môi trường đầu tư hơn nữa, tạo mọi điều kiện trong khả năng để các nhà đầu tư nước ngoài như Samsung có thể hoạt động, kinh doanh hiệu quả, thuận lợi.
Thúc đẩy hợp tác giữa Samsung với PTIT
Một nội dung quan trọng được đề cập nhiều trong buổi làm việc chính là việc tăng cường các cơ hội hợp tác, liên kết giữa Samsung Việt Nam với Học viện Công nghệ – BCVT trong thời gian tới.
Hồi tháng trước, Samsung đã khánh thành một phòng lab đặc biệt tại Học viện để các sinh viên tại đây có thể tiếp cận các công nghệ mới nhất của Samsung trong lĩnh vực di động, từ đó có điều kiện phát triển các ứng dụng di động mang tính ứng dụng cao.
Tuy nhiên, theo ông Han Myoung Sup thì đây mới chỉ là một trong những nội dung mà Samsung và PTIT đã thỏa thuận, cam kết hợp tác với nhau mà thôi. Trong tương lai, Samsung sẽ mở rộng trung tâm R&D của mình và sẽ phải cần đến một đội ngũ kỹ sư chất lượng cao đông đảo. Do đó, ngoài hình thức phối hợp đào tạo các sinh viên xuất sắc thông qua học bổng như hiện tại, Samsung cũng sẽ cùng với PTIT xây dựng những giáo trình nâng cao, phù hợp với hoạt động R&D, chú trọng phát triển phần mềm, ứng dụng cho di động.
Đặc biệt, Samsung sẽ đưa nhiều thiết bị nghiên cứu 4G LTE vào Viện R&D trong năm nay, với hy vọng sẽ xúc tiến được nhiều dự án liên quan đến 4G, phục vụ nhu cầu của thị trường Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã đánh giá cao những nội dung hợp tác thiết thực nói trên và cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để PTIT, một đơn vị mới chuyển từ VNPT về trực thuộc Bộ từ tháng 6/2014, hợp tác có chiều sâu hơn nữa với Samsung.
Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị Samsung không chỉ tuyển dụng các công nhân Việt Nam mà cũng cần đẩy mạnh thu hút, đào tạo, tuyển dụng các kỹ sư, nhân lực chất lượng cao từ các cơ sở đào tạo hoặc trường Đại học có chuyên ngành gần gũi với CNTT trong thời gian tới, tạo điều kiện cho họ học tập, làm việc tại Tổ hợp Samsung để nâng cao trình độ, tiếp cận những công nghệ mới nhất.
Trọng Cầm
Những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, việc đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng ở nước ta còn nhiều hạn chế.