Việc tập trung phát triển các dự án xử lý môi trường phải được coi là nhiệm vụ cấp bách của cả nước, của toàn dân, của tất cả các cấp các ngành. Các địa phương phải coi môi trường là một trong những tiêu chí đánh giá về trình độ phát triển.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định việc tập trung phát triển các dự án xử lý môi trường phải coi là nhiệm vụ cấp bách của cả nước, của toàn dân, của tất cả các cấp, các ngành. Ảnh: VGP/Nguyên Linh
Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại lễ khánh thành Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt thị xã Từ Sơn và hệ thống thu gom nước thải thuộc dự án đầu tư Hệ thống xử lý nước thải phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn (giai đoạn 1).
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao ý nghĩa phục vụ phát triển, vì cộng đồng của dự án, nhất là trong điều kiện cả nước hiện mới có 50 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt và có 26 nhà máy khác đang xây dựng, tổng công suất xử lý được 1,45 triệu m3/ngày đêm. Tức là mới đáp ứng được 22% nhu cầu về xử lý nước thải, còn nước thải ở trên 200 khu công nghiệp đạt được tỉ lệ xử lý 87%.
“Nước thải, cũng như chất thải rắn đang là vấn đề lớn của đất nước, tác động trực tiếp tới chất lượng cuộc sống, sức khỏe cộng đồng. Chính phủ đang rất sốt ruột cho các mục tiêu chiến lược phát triển liên quan đến môi trường, lãnh đạo Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, nhiều chỉ thị về vấn đề đầu tư xử lý hệ thống nước thải, rác thải và cả vấn đề quy hoạch các khu xử lý chất thải.
Thế nhưng, tình hình trong thời gian qua chuyển biến không nhiều. Nhiều địa phương Thủ tướng đã phải có văn bản chấn chỉnh và yêu cầu triển khai tích cực hơn. Rõ ràng, việc tập trung phát triển các dự án xử lý môi trường phải coi là nhiệm vụ cấp bách của cả nước, của toàn dân, của tất cả các cấp, các ngành. Các địa phương phải coi môi trường là một trong những tiêu chí đánh giá về trình độ phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đánh giá cao mục tiêu, tính chất của dự án, xử lý một khối lượng lớn nước thải, đáp ứng được nhu cầu trong khu vực Từ Sơn – cụm công nghiệp và làng nghề lớn trong cả nước. Suất đầu tư khoảng 17 triệu đồng/m3 nước xử lý cũng thấp hơn so với mức chuẩn trong hướng dẫn của Bộ Xây dựng là 20 triệu đồng/m3 cũng như so với mức đầu tư công nghệ nước ngoài khoảng 40 triệu/m3.
Hình ảnh tại Lễ khánh thành. Ảnh: VGP/Nguyên Linh
Dự án nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt thị xã Từ Sơn và hệ thống thu gom nước thải thuộc Dự án đầu tư Hệ thống xử lý nước thải phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn (giai đoạn 1) do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền và Công ty CP Đầu tư phát triển môi trường SFC Việt Nam đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao), thanh toán bằng quỹ đất đối ứng trên địa bàn thị xã Từ Sơn.
Nhà máy (giai đoạn 1) có công suất 33.000 m3/ngày, tổng mức đầu tư gần 800 tỉ đồng. Giai đoạn 2 nâng công suất lên 70.000 m3/ngày, tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỉ đồng.
Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt thị xã Từ Sơn áp dụng công nghệ tiên tiến: xử lý sinh học và khử trùng bằng tia cực tím nên chỉ cần sử dụng 150 m2 đất cho việc xử lý 1.000 m3/ngày. Diện tích sử dụng đất này nhỏ hơn từ 3-20 lần so với các công nghệ trước đây (450-3.000 m2 đất cho công suất 1.000 m3/ngày). Công nghệ này khắc phục được các phát sinh ô nhiễm thứ cấp ra môi trường như khí, mùi, tiếng ồn….
Là tỉnh có cơ cấu công nghiệp, làng nghề lớn nhưng Bắc Ninh hiện mới có 2 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị (Bắc Ninh có công suất 17.500 m3/ngày, Từ Sơn 33.000 m3/ngày), xử lý được khoảng 60% nước thải sinh hoạt đô thị. Tỉnh cũng đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Phong với công suất 5.000 m3/ngày, tuy nhiên vẫn chưa có nhà máy xử lý nước thải được xây dựng cho khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, nhu cầu xử lý chất thải rắn toàn tỉnh là 900 tấn/ngày nhưng hiện chỉ có một nhà máy đốt rác công suất 300 tấn/ngày, 7 lò đốt công suất nhỏ 5-6 tấn/lò/ngày và một số bãi chôn lấp.
Đối với khu vực đô thị, đã xử lý khoảng 80% lượng chất thải rắn, đối với nông thôn mới xử lý được khoảng 50%, còn lại mới tập kết chưa được xử lý.
Nguyên Linh
Những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, việc đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng ở nước ta còn nhiều hạn chế.