Bình Dương: Khánh thành Nhà máy Xử lý nước thải Thủ Dầu Một |

Bình Dương: Khánh thành Nhà máy Xử lý nước thải Thủ Dầu Một

31/12/2013 14:04

Sáng nay, 31.5.2013 tại TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, đã long trọng diễn ra lễ khánh thành Nhà máy Xử lý nước thải Thủ Dầu Một – Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương. Đến dự có ông Nguyễn Minh Triết – Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; ông Cao Lại Quang, Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA); ông Mai Thế Trung – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương, bà Trần Thị Kim Vân – Phó chủ tịch HDND tỉnh; đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam; lãnh đạo Tổ chức hợp tác quốc tế JICA; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Bình Dương; lãnh đạo VWSA, Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam.

Tiếng trống khai hội.

Nhà máy Xử lý nước thải do Công ty Cấp thoát nước – Môi trường Bình Dương làm chủ dự án với công suất giai đoạn 1 là 17 650 m3/ngày đêm. Dự án được khởi công từ ngày 29.3.2011 với tổng vốn đầu tư là 1.984 tỷ VNĐ. Trong đó, vốn ODA (Nhật Bản) là 1.584 tỷ và vốn ngân sách địa phương là 400 tỷ.

Dự án đã được triển khai tại khu vực trung tâm TP.TDM với diện tích 752ha bao gồm toàn bộ diện tích các phường: Phú Cường, Phú Lợi, Chánh Nghĩa và một phần diện tích các phường Hiệp Thành, Phú Thọ, Phú Hòa. Quy mô dự án bao gồm các gói thầu khảo sát, thiết kế chi tiết và giám sát thi công công trình; san lấp nền xây dựng hàng rào nhà máy xử lý nước thải; mua sắm xe chuyên dùng, thiết bị vận hành và bảo dưỡng mạng lưới, nhà máy; xây dựng mạng lưới thu gom nước thải; xây dựng 12 trạm bơm nâng và trạm bơm chuyển tiếp để phục vụ công tác chuyển tải nước thải sinh hoạt từ mạng lưới thu gom về nhà máy xử lý nước thải; xây dựng nhà máy nước thải sinh hoạt với công suất 17.650m3/ ngày đêm. Mục tiêu của dự án là thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu vực TP.TDM để nâng cao chất lượng sống nhân dân, tăng cường sức khỏe cộng đồng trong khu vực, góp phần bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn, đảm bảo mỹ quan và vệ sinh môi trường đô thị.

Ông Nguyễn Minh Triết – Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đến dự Lễ khánh thành.

Hệ thống thoát nước

Đây là hệ thống thoát nước thải riêng biệt (tách riêng nước mưa), thu gom trực tiếp (không cần qua hầm tự hoại), phía trước nhà mỗi hộ dân được lắp 1 hố ga để đấu nối nước thải sinh hoạt (nước tắm, nước rửa thực phẩm, nước và phân từ nhà cầu) của hộ gia đình vào hố ga này và nước thải theo hệ thống thu gom chuyển về nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung để xử lý. Hệ thống thu gom này không lẫn nước mưa và dễ dàng kiểm soát được mùi hôi; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị quản lý theo dõi, kiểm tra và bảo trì.

Hệ thống ống được làm từ nhựa UPVC, HDPE có khả năng chống ăn mòn cao. Mạng lưới thu gom nước thải có tổng chiều dài đường ống là 169.859 m trên diện tích 752 ha ở nội ô TP.TDM. Hệ thống thoát nước bao gồm có tuyến cống chính (tuyến cống cấp 1) thu nhận nước thải từ cống cấp 2 hoặc 3 sau đó dẫn về nhà máy để xử lý, có đường kính từ D500 – D1350 với tổng chiều dài 16.103 m; tuyến ống nhánh (tuyến cống cấp 2) thu nhận nước thải từ các cống cấp 3 sau đó đổ vào cống chính, có đường kính từ D200 – D300 với tổng chiều dài 54.825 m; tuyến ống thu gom (tuyến cống cấp 3) thu nhận trực tiếp nước thải từ các công trình và dẫn vào các ống nhánh hoặc cống chính, có đường kính từ D100 – D150 với tổng chiều dài 104.161 m; và 12 trạm bơm nâng và trạm bơm chuyển tiếp để phục vụ công tác chuyển tải nước thải sinh hoạt từ mạng lưới thu gom về nhà máy xử lý nước thải.

Ông Nguyễn Văn Thiền – Tổng Giám đốc Công ty Cấp thoát nước – Môi trường Bình Dương.

Công nghệ xử lý

Nhà máy xử lý nước thải được xây dựng trên tổng diện tích 11 ha, với công suất giai đoạn 1 là 17.650 m3/ngày.đêm, bao gồm các hạng mục công trình như: công trình đầu vào, bể ASBR (Advanced Sequencing Batch Reactor), nhà khử trùng, bể cô đặc bùn, thiết bị vắt bùn, nhà khử mùi…Chất lượng nước sau khi xử lý đạt quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT (cột A).

Ngoài việc đảm bảo chất lượng nước sau xử lý đạt yêu cầu theo quy chuẩn hiện hành, Công ty đặc biệt chú trọng đến việc kiểm soát mùi phát tán đến khu dân cư lân cận. Bởi vậy, việc lựa chọn công nghệ là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Công ty đã lựa chọn công nghệ xử lý sinh học bùn hoạt tính ASBR (cải tiến dòng liên tục) thích hợp và tối ưu nhờ vào các ưu điểm của nó so với công nghệ xử lý sinh học truyền thống khác. Quy trình vận hành bể ASBR cải tiến là một hệ thống xử lý sinh học đơn giản và hoàn toàn tự động:

– Hoạt động như là một hệ thống được kiểm soát theo thời gian cho phép nước thải được châm vào liên tục trong suốt tất cả các pha của chu trình. Thích hợp với những sự thay đổi về lưu lượng và tải trọng nước đầu vào. Cho phép hoạt động một bể để bảo trì và trong những điều kiện lưu lượng thấp.

– Có thể đạt được các qui trình xử lý oxy hóa sinh học loại bỏ COD, nitơ, photpho và tách chất rắn ra khỏi chất lỏng một cách liên tục chỉ trong một bể.

– Dễ dàng nâng công suất mà vẫn đạt được chất lượng nước đầu ra cao.

– Cung cấp hai vùng xử lý (tiền phản ứng và phản ứng chính) riêng biệt bằng một tường chắn thủy lực. Sử dụng vùng tiền phản ứng như là một bộ chọn lọc sinh học để tăng cường sự phát triển của các vi sinh vật mong muốn.

– Có tính linh hoạt cao.

–  Ngoài ra, công nghệ bùn hoạt tính tuần hoàn ASBR với yêu cầu không gian ít hơn so với các công nghệ khác nên cho phép tăng khoảng cách vùng đệm, hạn chế phát sinh mùi, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, tăng 30% công suất thiết kế so với bể SBR truyền thống cùng thể tích, dễ vận hành, chi phí vận hành thấp (tiết kiệm điện năng).
Một số hình ảnh buổi lễ khánh thành:

 

khanh-thanh-nha-may-xu-ly-nc-thai-thu-dau-1-10

Một số hình ảnh Nhà máy Xử lý nước thải Thủ Dầu Một:

khanh-thanh-nha-may-xu-ly-nc-thai-thu-dau-1-11

khanh-thanh-nha-may-xu-ly-nc-thai-thu-dau-1-12

 

khanh-thanh-nha-may-xu-ly-nc-thai-thu-dau-1-14

Lễ cắt băng khánh thành

khanh-thanh-nha-may-xu-ly-nc-thai-thu-dau-1-15

khanh-thanh-nha-may-xu-ly-nc-thai-thu-dau-1-16

Bài và ảnh: Xuân Thụ



Tin tức khác


Xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị, khu dân cư tập trung được quy định như thế nào?

Những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, việc đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng ở nước ta còn nhiều hạn chế.